• email usEmail của chúng tôi
  • info@quangnguyen.com.vn

Hải Phòng: Bảo đảm giữ bình yên sông nước

Những vi phạm điều kiện điều khiển phương tiện phổ biến

 
Cách đây 2 tháng, tại khu vực Núi Lửa thuộc thôn 11, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên), tổ công tác Trạm kiểm soát giao thông Bạch Đằng, Phòng Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường (Công an Thành phố) và Công an huyện Thủy Nguyên kiểm tra phương tiện thủy nội địa BKS HD -1323 do thuyền trưởng Hoàng Văn Xá ở thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn (Hải Dương) vận chuyển đất, do phương tiện ô tô khai thác từ mỏ đất núi, xuống tàu. Qua kiểm tra, thuyền viên trên phương tiện HD -1323 không có bằng máy trưởng; toàn bộ số đất đang vận chuyển trên ô tô và phương tiện HD -1323 đều không có các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc khai thác, vận chuyển khoáng sản đất theo quy định. Tổ công tác đình chỉ hoạt động của phương tiện, bàn giao toàn bộ phương tiện cho Công an huyện Thủy Nguyên xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
Cùng thời gian này, Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm - Phòng Cảnh sát đường thủy phát hiện và bắt giữ tàu QN 1975 chở than lậu tại sông Đá Bạc, địa phận xã Gia Đức (huyện Thủy Nguyên). Tàu do Nguyễn Tiến Thịnh, sinh 1982, ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) điều khiển, đang trên đường từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) về Hải Dương. Qua kiểm tra, Thịnh không có giấy phép điều khiển tàu; đồng thời không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc toàn bộ số hàng khoảng trên 200 tấn than trên tàu. Thịnh khai số than trên mua thu gom chở từ Cẩm Phả về Hải Dương tiêu thụ. 
 
Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm điều kiện điều khiển phương tiện thủy khá phổ biến. Điều này rất nguy hiểm vì liên quan đến an toàn giao thông đường thủy. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát đường thủy góp phần phòng ngừa, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông. 
hải phòng
 
Đề cao trách nhiệm quản lý
 
Với hệ thống giao thông đường thủy đa dạng, phức tạp nhất miền Bắc, giao thông đường thủy Hải Phòng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Toàn thành phố có 26 tuyến giao thông đường thủy, với tổng chiều dài hơn 506km, trong đó có 17 tuyến quốc gia và 9 tuyến địa phương, riêng tuyến ven đảo Cát Bà dài 20,6km. Nhiều tuyến sông như: Lạch Tray, Cấm, Phi Liệt, sông Đào 3km200, Bạch Đằng… tập trung nhiều phương tiện tham gia hoạt động giao thông vận tải đường thủy. Những tuyến sông này có địa hình quanh co, khúc khuỷu, lòng sông hẹp lại bị sa bồi, chưa được thường xuyên nạo vét... Luồng hàng hải cũng đan xen với luồng đường thủy nội địa khiến giao thông phức tạp, dễ xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng khi các phương tiện chạy lấn luồng của nhau. Do đó, việc kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm trên các tuyến đường thủy là rất cần thiết. 
 
Theo thượng tá Bùi Văn Thái, Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, những lỗi vi phạm có khả năng dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy là chở hàng hóa quá khổ, quá tải, không bảo đảm trang thiết bị an toàn, thiếu phao cứu sinh, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn… Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát đường thủy thành phố thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, xử phạt để răn đe, giáo dục người vi phạm. Bên cạnh việc thực hiện kiểm tra phương tiện, xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát đường thủy tiếp tục phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật giao thông.
 
Ngày 1/7 tới đây, Nghị định 132 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thay thế Nghị định 93 sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Nghị định bổ sung một số nhóm hành vi trong quy định xử phạt như: sử dụng phương tiện thủy quá niên hạn sử dụng; không tham gia tìm kiếm cứu nạn; vi phạm quy tắc cấm vượt; phà chở ô-tô lớn hơn trọng tải giới hạn; xếp hàng hóa quá khổ… Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tăng cường xử lý vi phạm trên các tuyến đường thủy nội địa. Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, lãnh đạo các địa phương cần kiểm tra các bến đò ngang, các phương tiện hoạt động trên sông bảo đảm đúng các quy định trong hoạt động và an toàn; thực hiện gắn thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện thuỷ… Qua đó, bảo đảm giao thông đường thủy nội địa thông suốt, an toàn, giữ bình yên sông nước.
 
Nguồn: Báo Hải Phòng